Người học lái xe khốn khổ với phần mềm mô phỏng trên mạng
00:19 - 19/07/2022
Do không có giáo trình nên ngoài giờ học tại Trung tâm dạy lái học viên phải tìm tòi các clip hướng dẫn trên mạng để làm theo.
Từ ngày 15/6 vừa qua, theo Thông tư 04 của Bộ GTVT, học viên học lái xe sẽ phải học thi cả trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông. Tuy vậy, do thiếu giáo trình, cơ sở dạy lái chỉ có thể hướng dẫn qua loa, nhiều học viên phải tự mày mò học theo trên mạng, dẫn đến trượt hàng loạt trong kỳ thi cấp chứng chỉ trước khi sát hạch.
Vừa hoàn thành bài thi lý thuyết, chị Nguyễn Thu Thủy, học viên học lái xe tại Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) vẫn không khỏi băn khoăn khi lần đầu phải thi thêm phần mô phỏng tình huống giao thông trên máy tính.
Do không không có giáo trình, nên ngoài giờ học tại Trung tâm dạy lái, chị Thủy phải tìm tòi các clip hướng dẫn trên mạng để làm theo: "Nếu học trên mạng hoặc các app thì người ta hướng dẫn điều chỉnh nút cách vào điểm rơi số 4 thì đến khi thi thật thì sẽ được trọn vẹn 5 điểm.
Nhưng thực tế khi thi phần mô phỏng này, đơn thuần bọn em đạt điểm tối đa, còn đâu khi phanh xe rồi vẫn đâm vào người đi đường, các xe vẫn đâm nhau, như thế theo lý thuyết vẫn không đúng".
Trường hợp chị Nguyễn Hoàng Oanh lại không may mắn như vậy khi 2 lần thi thử trên phần mềm mô phỏng đều trượt: "Không hiểu được gì, vì cũng chả có ai giải thích hay như thế nào, vào cứ bảo ấn cách, nhưng chả hiểu ấn cách để làm gì. Thứ nhất là không phổ cập, thứ 2 là vừa tiếp xúc lần đầu đã trượt rồi, trượt hơn 1 nửa rồi".
Theo một số giáo viên dạy lái, từ khi áp dụng quy định thi trên phần mềm mô phỏng, ngay từ kỳ thi cấp chứng chỉ, tỷ lệ học viên trượt đã lên đến 50-60%, thậm chí có trung tâm đào tạo có tỷ lệ thi học viên trượt đến 87%.
Ảnh minh họa: Lao Động
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc trung tâm đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội) cho biết, từ khi áp dụng Thông tư 04, Trung tâm cũng tổ chức đào tạo cho 1 khóa học viên học lái xe, và tổ chức thi cấp chứng chỉ, chứ chưa tổ chức khóa sát hạch nào.
Nói về nội dung đào tạo trên phần mềm mô phỏng, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, phần mềm do Tổng cục Đường bộ chuyển giao đến các Sở GTVT và các trung tâm đào tạo tự cài đặt vào máy tính để dạy cho học viên, còn nội dung hoàn toàn do Trung tâm tự thiết kế, chứ không có giáo trình cụ thể: "Có thấy phổ biến gì đâu, làm gì có giáo trình gì đâu, cứ dạy theo mình hiểu và bám vào đó để phân giờ ra dạy thôi, theo ý hiểu của mình thôi.
Kể cả trong Thông tư cũng chỉ nói mỗi phải học cái đấy, còn chả thấy nói nội dung của nó gồm những cái gì như những môn khác. Ví dụ các môn kia học mấy tiếng nội dung này, mấy tiếng nội dung kia, nhưng môn này không hề đề cập đến. chỉ nói môn này học ngần ấy tiếng là xong, cho nên phải tự phân tích ra, tiếng đầu học cái gì, tiếng thứ 2 học cái gì…".
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm dạy nghề lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cũng cho biết, để phục vụ cho việc học tình huống mô phỏng, đơn vị đã trang bị thêm gần 10 phòng học, với gần 100 máy tính. Việc giảng dạy nội dung này cũng được thực hiện trực tiếp cho học viên trên máy tính, chứ không có giáo trình cụ thể. Riêng việc thi cấp chứng chỉ, trung tâm mới chỉ thi 1 khóa với 70 học viên.
"Giảng dạy trực tiếp trên máy tính. Nói chung học thì vẫn học được, có điều, riêng phần đó tỷ lệ trượt đã lên đến 30%", ông Toản cho biết.
Trao đổi với VOV Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, không phải không có giáo trình, mà do các Trung tâm đào tạo và giáo viên dạy lái không cập nhật hết các hướng dẫn: "Một là thầy giáo chưa chịu đọc, chưa hướng dẫn cho học viên, chính vì thế họ chưa nắm được. Chúng tôi đã có một tập kịch bản, mô tả, hướng dẫn tình huống này thì nguy hiểm bởi cái gì, cách phát hiện thế nào, xử lý thế nào…Chỗ nào dạy tốt thì học viên đều đỗ từ 50% trở lên".
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, từ năm 2021, cùng với phần mềm mô phỏng, Tổng cục Đường bộ VN đã banh hành quy trình mô tả, hướng dẫn cho từng tình huống và cách xử lý. Nội dung này đã được cập nhật trên mạng để các Sở GTVT phổ biến cho các Trung tâm đào tạo lái xe.
Ông Lương Duyên Thống cũng cho biết, qua khảo sát sơ bộ cho thấy, với 49 địa phương đã thi sát hạch phần mềm mô phỏng, có hơn 50% địa phương có tỷ lệ học viên thi đạt 50% trở lên.
Thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ đôn đốc các Sở GTVT hướng dẫn các trung tâm đào tạo cài đặt đầy đủ phần mềm và kịch bản mô phỏng tình huống để giảng dạy cho học viên.
Nếu Trung tâm đào tạo lái xe nào không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, trang thiết bị giảng dạy phần mềm mô phỏng sẽ không được tổ chức thi sát hạch./.
link bài viết: https://baomoi.com/nguoi-hoc-lai-xe-khon-kho-voi-phan-mem-mo-phong-tren-mang/c/43171551.epi
Quách Đồng/VOV-Giao thông
Lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (20/11/1982 - 20/11/2022)
SỞ GTVT NGHỆ AN TẶNG HOA CHÚC MỪNG NHÂN DỊP LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
GIẢI THỂ THAO CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/1982-20/11/2022
Gian lận khi dự sát hạch, nhiều người không được cấp GPLX trong 5 năm