Hiểu đúng về hình thức mô phỏng tình huống giao thông trong học và thi bằng lái xe
00:10 - 19/07/2022
Nhiều người dân đang hiểu sai về phần thi mô phỏng các tình huống giao thông trong kỳ sát hạch bằng lái xe là tạo cảm giác ảo, tuy nhiên thực tế không phải vậy.
Theo quy định tại Thông tư 04/2022 (sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) cơ giới đường bộ), các trung tâm sát hạch lái xe phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để sát hạch lái xe. Theo đó, các học viên thi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo từ sau ngày 15-6 sẽ áp dụng hình thức sát hạch mới này.
Nhiều người đang hiểu sai về hình thức mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo, sát hạch bằng lái xe. Ảnh: TN
Theo số liệu của Sở GTVT TP.HCM, từ ngày 28-6 đến ngày 13-7, Sở tổ chức 33 kỳ sát hạch. Trong đó, có 2.188 thí sinh dự thi và kết quả là 1.525 thí sinh đậu, còn lại 663 thí sinh bị rớt.
Hiện nay, tại các cơ sở sát hạch đã áp dụng hình thức mô phỏng trong các kỳ thi sát hạch theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng mô phỏng là tay cầm vô lăng, chân đạp côn, phanh và ga rồi mình điều khiển xe chạy, dừng như ngoài đường. Tạo cảm giác ảo khi lái xe giống như thực tế. Tuy nhiên, đó là những thông tin không chính xác và người dân cần tìm hiểu thêm.
Các bài học mô phỏng các tình huống giao thông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cung cấp là 120 cái tình huống trên dạng video, clip được quay/dựng cố định, không có bất kỳ công cụ/phím bấm nào tác động vào hành trình của xe trên clip. Học viên khi học, thi sẽ sử dụng phím space (hay còn gọi là phím cách) để nhấn vào vị trí trên clip mà học viên cho rằng đó là tình huống nguy hiểm. Theo đó, khi tham gia kỳ thi sát hạch mô phỏng, người thi phải đạt kết quả 35/50 điểm mới đủ điều kiện để tham gia các hạng mục sát hạch tiếp theo.
Theo ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX, Sở GTVT TP.HCM, hiện nhiều người đang hiểu nhầm một số yêu cầu về đào tạo và sát hạch mà Bộ GTVT đưa ra.
“Quy định về DAT và cabin học lái xe sẽ được áp dụng trong quá trình đào tạo lái xe để nâng cao và giám sát. Riêng phần mềm mô phỏng là phải thi sát hạch”- ông Quang cho hay.
Thí sinh phải đạt kết quả lý thuyết và mô phỏng mới được dự thi phần thi thực hành. Ảnh: TN
Về nội dung đào tạo cabin học lái xe, Bộ GTVT cho phép các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái ô tô để đào tạo lái ô tô trước ngày 31-12-2022. Nội dung quy trình học trong cabin học lái sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như cách vận hành số xe, thực hành bài “đề pa” lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch. Phần tiếp theo là bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong TP.
Trong quá trình thực hành, hệ thống sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn.
Diễn biến thời tiết (nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau.
Link: https://baomoi.com/hieu-dung-ve-hinh-thuc-mo-phong-tinh-huong-giao-thong-trong-hoc-va-thi-bang-lai-xe/c/43182262.epi
THY NHUNG
Lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 (20/11/1982 - 20/11/2022)
SỞ GTVT NGHỆ AN TẶNG HOA CHÚC MỪNG NHÂN DỊP LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
GIẢI THỂ THAO CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/1982-20/11/2022
Gian lận khi dự sát hạch, nhiều người không được cấp GPLX trong 5 năm